Tin tức vĩ mô
Chính quyền Donald Trump đã rút lại lời cam kết "dán nhãn" Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ, đồng thời thúc giục nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới để đồng Nhân dân tệ gia tăng cùng với các lực lượng thị trường và mở cửa thương mại nhiều hơn, Bloomberg cho hay.
Báo cáo ngoại tệ đầu tiên dưới thời Donald Trump được Bộ Tài chính Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu cho thấy, không có đối tác thương mại quan trọng nào đang thao túng tiền tệ của mình để đạt được lợi thế thương mại không công bằng. Nhưng Mỹ vẫn giữ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Đức và Thụy Sỹ trên danh sách giám sát về ngoại tệ
Trung Quốc hiện đang có một lượng thặng dư thương mại song phương rất lớn và kéo dài với Mỹ, điều này nhấn mạnh rằng Trung Quốc cần mở cửa đối với hàng hóa và dịch vụ của Mỹ hơn nữa, cũng như các cải cách nhanh chóng hơn để thúc đẩy tiêu dùng của hộ gia đình.
Hôm thứ Tư, ông Trump tuyên bố rằng ông sẽ rút lại lời hứa sẽ "gắn nhãn" Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ - một động thái sẽ tạo ra sự bất đồng giữa các nền kinh tế lớn nhất trên thế giới khi họ cố gắng đẩy mạnh sự hợp tác thương mại cũng như giải quyết mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên. Trong một cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal, ông Trump cho biết Trung Quốc đã không thao túng đồng NDT trong nhiều tháng, đồng thời cho biết đồng USD đang trở nên quá mạnh.
Báo cáo từ Bộ Tài chính Mỹ cho thấy, trong 1 thập kỷ vừa qua, Trung Quốc có dính dáng đến việc can thiệp với quy mô lớn và 1 chiều vào thị trường để ngăn chặn đà tăng của đồng NDT, và sau đó cho phép đồng tiền này tăng từ từ - một hành động đã gây ra nhiều khó khăn kéo dài cho công nhân cũng như công ty Mỹ.
Hiện nay, Trung Quốc cần phải chứng minh rằng việc họ ít can thiệp vào thị trường tiền tệ để ngăn chặn đà tăng giá trong 3 năm vừa qua là một chính sách "bền vững" bằng cách cho phép đồng NDT mạnh lên một khi áp lực tăng giá trở lại, Bộ Tài chính Mỹ cho biết.
Cũng tương tự như báo cáo cuối cùng của chính quyền Barack Obama trong tháng 10/2016, Trung Quốc chỉ lọt vào 1 trong 3 tiêu chí mà Bộ Tài chính Mỹ sử dụng như một ngưỡng để đo lường việc thao túng tiền tệ, đó là có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ. Đài Loan cũng chỉ đáp ứng 1 tiêu chí, trong khi 4 quốc gia còn lại - Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức và Thụy Sỹ - đáp ứng 2 tiêu chí.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết, Đức có "trách nhiệm" giúp cân bằng giữa nhu cầu toàn cầu và các dòng chảy thương mại. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu này nên sử dụng chính sách tài khóa để khuyến khích nhu cầu nội địa tăng mạnh, qua đó tạo áp lực tăng giá lên đồng euro. Thụy Sỹ có thể gia tăng sự phụ thuộc vào lãi suất chính sách (policy rates) để hạn chế nhu cầu can thiệp ngoại hối. Và việc can thiệp vào thị trường tiền tệ cần phải minh bạch hơn.
Ở châu Á, các nước như Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc được kêu gọi giữ sự can thiệp ở mức độ tối thiểu, và muốn có các chính sách tỷ giá linh hoạt và minh bạch hơn.
"Mỹ không thể và sẽ không chịu gánh nặng của một hệ thống thương mại quốc tế không công bằng, gây bất lợi cho xuất khẩu của chúng tôi trong khi tạo lợi thế xuất khẩu cho các đối tác thương mại thông qua việc tỷ giá hối đoái bị bóp méo một cách giả tạo", báo cáo chỉ rõ. "Bộ Tài chính Mỹ cam kết sẽ giám sát tích cực và thận trọng nhằm chống lại các hành vi tiền tệ không công bằng".
Theo luật, Bộ Tài chính Mỹ buộc phải báo cáo với Quốc hội Mỹ định kỳ 2 lần mỗi năm về việc các đối tác thương mại quan trọng của Mỹ có gian lận đối với đồng tiền của họ hay không. Báo cáo này là một kênh chính thức của Chính phủ để chỉ ra quốc gia nào thao túng tiền tệ, qua đó dẫn tới một năm thương lượng để tìm ra giải pháp và mức phạt nếu hành vi này cứ tiếp tục diễn ra.
Được biết, Mỹ chưa gán mác thao túng tiền tệ lên bất kỳ quốc gia nào kể từ năm 1994.
Bộ Tài chính Mỹ đã giữ nguyên các tiêu chí xác định thao túng tiền tệ là: Có thặng dư thương mại với Mỹ trên 20 tỷ USD; Có thặng dư cán cân vãng lai chiếm hơn 3% GDP; lặp lại việc phá giá tiền tệ bằng cách mua tài sản nước ngoài lên tới 2% sản lượng trong năm đó./.
Vietstock.vn