Tin tức ngoại tệ

Điều chỉnh lại
Tỷ giá lại gây sức ép (06/06/2016 08:18:00)

Tỷ giá USD những ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6 có nhiều biến động. Trong đó chủ yếu do tác động từ thị trường thế giới, cộng với Thông tư 07 do NHNN ban hành cho phép doanh nghiệp (DN) xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ được vay USD để thanh toán trong nước.

Lập mốc 22.500 đồng

Ngày 25-5, tỷ giá USD tại các NHTM đã đồng loạt tăng mạnh giá mua bán USD lên 20-35 đồng, mức giá bán phổ biến 22.370-22.380 đồng/USD. Tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng 11 đồng lên mức 21.921 đồng/USD. Nguyên nhân tỷ giá tăng mạnh do các NH mua USD để cân bằng trạng thái ngoại tệ. Các dự báo cho rằng mức tăng này chỉ là tạm thời và nhiều khả năng tỷ giá sẽ sớm giảm nhẹ trở lại. Tuy nhiên, trong tuần lễ từ ngày 31-5 đến 4-6, thị trường đã có những biến động khá lớn. Tỷ giá trung tâm trong 3 ngày đầu tuần tăng lên 31 đồng, sau đó giảm 7 đồng và đứng yên trong những ngày cuối tuần ở mức 21.939 đồng/USD. Tỷ giá trên thị trường tự do cũng tăng từ 22.370-22.390 đồng/USD lên mức 22.400-22.430 đồng/USD.

Việc chống đô la hóa đã có nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, lộ trình thực hiện có vẻ quá nhanh khi quy định trần lãi suất huy động USD bằng 0%/năm và ngừng cho vay ngoại tệ đối với DN xuất khẩu có nhu cầu thanh toán trong nước. Thay vì NHNN có thể sử dụng các giải pháp khác để chống đô la hóa như tăng dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ, giảm trạng thái ngoại tệ, phát triển công cụ phái sinh…

TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh

Tại các NHTM, tỷ giá USD cũng liên tục thay đổi, trong đó ngày 2-6, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm 7 đồng nhưng tỷ giá tại các NHTM tăng mạnh. Cụ thể, Vietcombank tăng giá mua bán 35 đồng lên mức 22.400-22.470 đồng/USD; VietinBank điều chỉnh tăng mạnh 45 đồng; Agribank tăng 50 đồng giá mua và 45 đồng giá bán; BIDV tăng tới 60 đồng. Tại các NH như ACB và DongA Bank đều tăng 35 đồng, Eximbank tăng 30 đồng, LienVietPostBank tăng 45 đồng, Sacombank tăng 50 đồng ở cả 2 chiều mua và bán. Đáng chú ý nhất là Techcombank giao dịch USD với mốc bán ra cao nhất tính từ đầu năm ở mức 22.500 đồng/USD, cao hơn 10-30 đồng so với các NH khác. Tuy nhiên đến cuối tuần, đà tăng tỷ giá USD của các NH cũng đã chững lại, nhiều NH điều chỉnh giảm khoảng 20-50 đồng so với đầu tuần.

Tính từ khi NHNN áp dụng chính sách điều hành tỷ giá mới đến nay, tỷ giá mới có những biến động đáng kể. Trước đó, các NHTM luôn duy trì tỷ giá mua và bán VNĐ/USD ở trạng thái bình thường, do các nhân tố chủ yếu tác động đến tỷ giá đều có chuyển biến tích cực hoặc ổn định. Như đồng USD giảm giá do Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) hạ số lần tăng lãi suất trong năm nay từ 4 xuống 2 lần; đồng Nhân dân tệ cũng ổn định trong mấy tháng đầu năm. Cùng với đó, vốn FDI thực hiện đạt 4,65 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ; cán cân thương mại được cải thiện mạnh, chỉ trong 4 tháng đầu năm Việt Nam đã xuất siêu ước tính 1,48 tỷ USD, trong khi cả năm 2015 nhập siêu ở mức 3,02 tỷ USD. Tính chung từ đầu năm đến nay, NHNN đã mua vào khoảng 7 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, sự ổn định này đã bị phá vỡ khi so với cuối tháng 4, tỷ giá trung tâm đã tăng 111 đồng, trong khi tỷ giá tại các NHTM tăng 130 đồng.

Thị trường sẽ gây áp lực

Biến động của tỷ giá tuần qua được giới phân tích nhận định xuất phát từ việc tỷ giá giữa Nhân dân tệ so với USD đã giảm 1,3% trong tháng 5 và do nhu cầu chuyển ngoại tệ về nước của 1 tập đoàn nước ngoài. Đồng thời, những thông tin tích cực của nền kinh tế Hoa Kỳ đã đẩy đồng USD tăng giá. Phiên 30-5, USD lên cao nhất trong vòng 2 tháng so với rổ tiền tệ, sau khi bà Janet Yellen, Chủ tịch FED, cho rằng việc tăng lãi suất trong tháng 6 là hợp lý nếu nền kinh tế và thị trường lao động Hoa Kỳ tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, cuối tuần qua thông tin FED có thể trì hoãn kế hoạch tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách dự kiến diễn ra trong 2 ngày 14 và 15-6, đã khiến USD giảm 3% so với đồng Yen, mức giảm mạnh nhất tính từ 28-4.

Nguyên nhân của việc trì hoãn do báo cáo việc làm yếu kém cùng với sự kiện cử tri nước Anh sẽ bỏ phiếu quyết định ở lại hay rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 23-6. Nếu Anh chọn rời khỏi EU sẽ gây rối loạn các thị trường tài chính toàn cầu, khiến rủi ro tín dụng tăng cao và tạo ra làn sóng đầu tư tập trung vào các loại tài sản an toàn, cũng như đẩy giá trị đồng USD lên cao. Do đó, nhiều khả năng FED sẽ dời thời điểm tăng lãi suất sau sự kiện này, tức khoảng tháng 7. Nếu chiếu theo tác động này, tỷ giá trong nước chỉ biến động nhất thời và sẽ tạm thời ổn định trước khi FED đưa ra quyết định mới.

Tuy nhiên, sức ép chính của tỷ giá được cho do NHNN ban hành Thông tư 07, mở lại tín dụng ngoại tệ cho DN xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ để thanh toán trong nước đến hết ngày 31-12-2016. Theo các chuyên gia kinh tế, NHNN áp dụng lãi suất huy động USD 0% nhằm chống đô la hóa nền kinh tế, chuyển từ quan hệ huy động – cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua – bán bằng ngoại tệ. Nhưng việc mở lại cho vay ngoại tệ theo Thông tư 07 sẽ gây áp lực lãi suất huy động USD và NHNN có thể phải cân nhắc điều chỉnh lãi suất USD để tăng nguồn cung đầu vào khi nhu cầu vay của DN gia tăng. Sau khi Thông tư 07 được ban hành, nhu cầu ngoại tệ trên thị trường gia tăng cộng với niềm tin vào khả năng NHNN sẽ điều chỉnh lãi suất USD để tăng nguồn cung đã tạo áp lực tăng giá đồng USD trong những ngày qua. Do đó, việc NHNN sớm điều chỉnh lãi suất tiền gửi USD được cho phù hợp với tình hình thực tế, ngăn NHTM không lách trần lãi suất huy động USD và chính sách tiền tệ được giữ ổn định.

Theo Đầu tư Tài chính